Vịt trời
Vịt trời là loài gia cầm có giá trị kinh tế cao, mô hình nuôi vịt trời đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. Tuy nhiên, đây là giống Vịt có lối sống hoang dã mới được thuần hóa, do đó khi nuôi tập trung cần đảm bảo các điều kiện đặc biệt, tương đồng với môi trường tự nhiên để đảm bảo sự phát triển tốt nhất.
* Kỹ thuật nuôi vịt trời cho năng suất cao, cách chọn giống, làm chuồng trại và chế độ dinh dưỡng khoa học nhất.
1. Thiết kế chuồng trại
Địa điểm xây chuồng: Vị trí cao ráo. Tránh gió mùa đông bắc thổi trực tiếp vào chuồng. Không xây chuồng chung với các loại gia súc khác và cách ly khu nhà ở.
Yêu cầu về kỹ thuật: sạch sẽ, thoáng mát, khô ráo, đông ấm, hè mát. Diện tích phải phù hợp với mục đích và số lượng nuôi. Thiết kế khu chuồng nuôi của vịt trời gồm có khu sân chơi, bể bơi và khu nhà cho vịt nghỉ ngơi. Khu bể bơi rộng tối thiểu 15m2, sâu tối thiểu 20cm và bể bơi nối liền với khu sân chơi. Khu nhà cho vịt nghỉ ngơi có thể thiết kế đơn giản. Nên tận dụng các loại vật liệu rẻ tiền, có sẵn như tre, gỗ, nứa… để làm chuồng hoặc với mái lợp bằng tôn, lá hoặc ngói… Mái cao khoảng 2,5 - 3,0m là thích hợp. Chuồng sàn sạch, sàn xi măng, mật độ nuôi tùy thuộc vào lứa tuổi. Để tiết kiệm chi phí, có thể trồng thêm các loại cây ăn quả để làm bóng mát và tăng thêm thu nhập. Xung quanh nên quây bằng lưới B40 để tránh thất thoát. Chuồng trại nuôi vịt trời cũng phải được vệ sinh thường xuyên, sát trùng định kỳ nhằm tránh bị ô nhiễm môi trường xảy ra dịch bệnh.
Máng ăn, máng uống: Máng ăn phải rộng để vịt có thể tiếp xúc với thức ăn, chiều dài của máng đảm bảo 10 - 14 cm/con, tùy vào mật độ. Máng uống phải rửa hàng ngày, đảm bảo đủ chỗ cho vịt đứng, độ dài máng bình quân là 3 cm/con, máng phải luôn có nước. Bố trí máng ăn, máng uống ở khu vực riêng, để chỗ nghỉ ngơi của vịt luôn được khô ráo.
2. Chọn giống
Để có đàn vịt khỏe mạnh, chất lượng cần chọn vịt giống có khả năng tăng trưởng khỏe, chất lượng thịt tốt, có các đặc tính di truyền riêng của loài. Để tránh mua vịt giống cận huyết, vịt kém chất lượng và chọn đúng giống, người nuôi nên chọn mua vịt từ đàn vịt bố mẹ rõ nguồn gốc, sạch bệnh và nên mua ở các cơ sở cung cấp giống uy tín.
3. Kỹ thuật chăm sóc
Chuồng phải được dọn sạch sẽ, sát trùng nền, tường, trần bằng thuốc sát trùng hoặc dung dịch formol 2%. Chất độn chuồng được sát trùng bằng dung dịch formol 2% và để trống chuồng 7 - 14 ngày trước khi bắt vịt về.
Nhiệt độ: Cần bật bóng úm 3 - 5 tiếng trước khi bắt vịt về. Do vịt mới nở có sức đề kháng yếu. Vì vậy, cần nhiệt độ cao, nhiệt độ trong lồng úm là 35 - 360C đối với vịt 1 ngày tuổi. Nhiệt độ giảm dần theo ngày, đến ngày thứ 5, nhiệt độ trong lồng úm là 32 - 330C. Sau đó giảm dần nhiệt độ thích hợp, nếu thấy vịt đứng tụm lại, co ro là nhiệt độ thấp; nếu vịt đứng tản ra thì do nhiệt độ cao.
Độ ẩm: Duy trì độ ẩm trong lồng úm 70% là thích hợp, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông.
Mật độ nuôi: Mật độ thả vịt như sau: Tuần 1 là 20 con/m2; tuần 2 là 5 con/m2; từ tuần thứ 3 trở đi tiến hành thả vịt ra ngoài.
Cho ăn: Khi mới bắt vịt về nên cho uống nước trước, sau 2 - 3 tiếng mới cho vịt ăn. Nên cho vịt uống nước có bổ sung điện giải, gluco, tỏi tươi nhằm giúp vịt tránh được bệnh tiêu chảy và thúc đẩy quá trình tiêu noãn hoàng của vịt nhanh hơn.
Tiêm phòng cho vịt
Vịt được tiêm phòng vaccine theo lịch như sau:
- 7 ngày tuổi: Tiêm phòng dịch tả vịt lần 1.
- 17 ngày tuổi: Tiêm phòng vaccine cúm gia cầm lần 1.
- 21 ngày tuổi: Tiêm phòng vaccine dịch tả lần 2.
- 45 ngày tuổi: Tiêm phòng vaccine cúm gia cầm lần 2.
- 60 ngày tuổi: Tiêm phòng vaccine tụ huyết trùng.
Thời gian nuôi vịt trời thương phẩm từ 3-3,5 tháng. Khi xuất bán trọng lượng đạt từ 1,2-1,3 kg/con với giá bán hiện nay dao động từ 80.000 – 100.000đ/kg. Vịt trời được nuôi theo mô hình bán tự nhiên như trên có chất lượng thịt cao, được người tiêu dùng rất ưa chuộng, thương lái thường đến tận trại để thu mua nên bà con có thể yên tâm về đầu ra ổn định của giống gia cầm này.